Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

THÂN PHẬN TỊ NẠN

ĐẶNG VĂN TƯỜNG

 

 

Sau một ngày hai đêm tàu vượt biên của chúng tôi đến được giàn khoan Indonesia, và được vớt lên bờ. Tổng cộng lớn nhỏ trên tàu là 58 người, ở đó được 5 ngày. Sau đó tàu Cao Ủy đến rước đem về đảo Kuku. Nơi đây có thêm 7 (con quỉ dạ xoa) cảnh sát Indonesia, thường dùng quyền lực hãm hiếp phụ nữ, cướp vàng, hành hung phái nam rất dã man, lương thực phát cho người tị nạn bị cắt xén nhỏ giọt.

Vì lương thực thiếu thốn, chúng tôi lần mò vào rừng kiếm trái cây, và mua thêm khoai chuối của người Nam Dương Cộng Sản trốn lánh trong rừng. Một hôm khi đến chân rừng tôi thấy có một cái miếu hoang của người Việt Nam đến đây trước dựng lên, có khắc tên rất nhiều người Việt vượt biên đến đây không may đã bỏ mình. Ôi thật là đau đến chua xót vô cùng cho số phận người Việt Nam tìm tự do. Đi thêm chút nữa tôi thấy có một nghĩa trang với những tấm mộ bia đóng ván khắc tên, họ hoàn toàn là người Việt Nam ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Tò mò, tôi đếm những cái mả lớn nhỏ là 62 cái. Có mả được khắc tên, có mả không có tên.

Tôi ngậm ngùi không biết làm sao hơn, ngồi suy nghĩ mà nước mắt từ đâu cứ tuôn chảy ra hoài, không biết rồi đây số phận của mình phải ra sao. Tôi chắp hai tay cầu nguyện ơn trên Chư Phật, Phật Bà Quan Âm cứu rỗi cho mình, cho vạn dân bá tánh thoát khỏi cảnh khổ như thế này, và cầu nguyện cho những linh hồn không may được siêu thoát. Hôm nay ngồi nhớ lại những cảnh tượng đã qua mà lòng nghẹn ngào, nước mắt cứ rưng rưng. Viết những dòng này tôi muốn nhắn nhủ những ai đã từng vượt biển tìm tự do mà giờ dây được may mắn định cư ở Hoa Kỳ hay các nước khác, chúng ta có vui hưởng thụ xin nhín chút ít thì giờ đốt nén hương cầu nguyện vong linh những người không may mắn đó, biết đâu trong đó có bà con dòng họ chúng ta. Và hãy tiếc thương cho số phận hàng chục ngàn người bị cưỡng bức trở về Việt Nam. Không biết thân phận của họ hiện giờ ra sao? Họ đã từng tị nạn như tôi suốt bảy năm mà sau đó bị trả về. Sau khi ra đi thì tài sản đã phủi tay, họ bị tủi nhục, hổ thẹn khi trở về, cuộc sống hẳn gặp khó khăn khi hai bàn tay trắng, còn bao nỗi phập phồng lo sợ, không biết sẽ có bị hậu quả gì sau này hay không?

Chúng tôi ở trên đảo Kuku được 10 ngày, sau đó được tàu Cao Ủy rước đưa vào trại tị nạn Galang. Cuối năm đó, vào ngày 25 tháng Chạp, 1989, nếu ngày này còn ở Việt Nam thì tôi và gia đình đi tảo mộ ông bà, rất tiếc ở đây chẳng làm gì, nên tôi bèn rủ thêm bốn người bạn cùng xứ đi tới nghĩa trang Galang 3 mang theo cuốc xẻng, chổi, nhang đèn, bánh ngọt, nước suối, đến cúng vái rồi tảo mộ cho đồng bào của mình. Tôi cũng đếm từ trái sang phải, từ trong ra ngoài, mả xi măng, mả đất lớn nhỏ có 511 cái tại đây tính đến ngày 25 tháng 2 âm lịch năm 1989, chưa tính sau 7 năm tôi ở đó. Tưởng đâu ra đi là thoát khỏi tai ách, nào ngờ cảnh não nùng của người Việt vượt biển tìm tự do. Tại sao dân tộc ta lại bất hạnh như thế này?

Năm hết tết đến, ở trong trại tị nạn, ngày 29 tháng Chạp có một số bạn bè vào rừng vác cây khô về chất thành đống để tối đốt lên cắm trại, vui chơi đêm Giao Thừa. Tất cả để nhớ về quê nhà, có người nhận được tiền từ nước ngoài gởi, họ mua gà thịt ăn Tết, có em cầm cây đập vào trong vách (tôn) làm tiếng pháo, số khác lấy vỏ xe hư quăng vào đống lửa cho cháy, lửa bay lên như pháo bông coi cũng khá vui.

Kế tiếp là cuộc thanh lọc mà Cao Ủy đã đề ra. Thật là bất công cho người tị nạn, theo tin đồn cứ 100 người đi thanh lọc, Cao Ủy cho đậu có 12 hoặc 15 người. Nạn tham nhũng, tham dâm lan tràn trong chính quyền địa phương, khiến cho một số phụ nữ hoặc cả trẻ em phải hy sinh thân mình để được chiếc vé đi định cư. Một số người rớt thanh lọc, thất vọng tự vận bằng thuốc hay treo cổ, vì quá uất ức, tủi nhục đã đưa đẩy con người đến chỗ tuyệt vọng, số khác thì ghi danh hồi hương. Không giấy mực nào tả xiết, xin thông cảm tôi chỉ kể một phần. Trước nguy cơ bị cưỡng bức hồi hương, tình hình trong trại thật căng thẳng. Đồng bào các trại tị nạn Hongkong, Mã Lai, Thái Lan nổi lên biểu tình, còn trại Galang thì chưa bởi chính quyền và cảnh sát Indonesia quá căng. Tôi là một trong năm người bạn đứng ra tổ chức cuộc biểu tình đầu tiên ở Galang. Trong số đó 3 người được đi Mỹ, 2 người còn kẹt lại VN, đều là cựu quân nhân VNCH.

Trước nguy cơ sắp bị cưỡng chế về VN, khi được tin Cao Ủy Tị Nạn cho CSVN vào trại Galang vận động hồi hương, vào lúc 9 giờ ngày 10 tháng 4 năm 1994, năm anh em chúng tôi cùng với 12 bạn trẻ biểu tình. Điểm xuất phát là chùa Kỳ Viên (chùa Miên), các em cầm một cây cờ VNCH và một tấm băng rôn kẽ chữ CHỐNG CƯỠNG BỨC HỒI HƯƠNG, đòi quyền tị nạn. Theo lộ trình chúng tôi đi vào chợ ZON D thì được 200 đồng bào tháp tùng theo, khi đi qua khu Thương Phế Binh được thêm 100 người hưởng ứng đi theo. Đoàn biểu tình đi vào khu chợ giữa ZON D và C, số người tăng lên được 500, khi đi qua khu trường học thì bị chánh quyền địa phương đến chặn lại. Sau nửa giờ tranh cãi, phía cảnh sát chờ lệnh từ Jakarta, đồng bào cả bốn ZON hay tin biểu tình đều kéo đến chật ních bao vây chính quyền, con số ước lượng hơn 2000 người. Chỗ đáng nói ở đây là dân tộc VN rất hiếu kỳ, nghe cái gì lạ, ngộ, thì ùn ùn kéo tới tiếp tay, coi xem tận mắt. Sự đoàn kết của người Việt Nam là ở chỗ đó.

Lời qua tiếng lại không xong, đoàn người biểu tình kéo nhau về khu vực Cao Ủy đưa đi định cư. Đây là địa điểm "đóng quân", từ Thánh Thất Cao Đài ra khỏi lộ (miễu hai cô). Sau đó, đồng bào toàn trại kéo về đây hơn 4000 người. Vào giờ phút chót, đồng bào ta muôn người như một, với sức mạnh đoàn kết. Tức nước vỡ bờ, khiến cho chính quyền phải bó tay, chùn bước. Còn 21 nhân viên Cao Ủy làm việc ở đây phải xuống tàu đi Pinang. Thất Phu Hữu Trách: Khi hữu sự, toàn dân một lòng, đoàn kết, đứng lên đấu tranh, chống lại mọi sự áp bức, bất công, độc tài. Tôi hy vọng một ngày nào đó người dân trong nước làm được việc như thế. Còn người Việt Hải ngoại đóng góp những gì có thể làm được.

Vào lúc 8 giờ tối hôm ấy, được tin có một toán Việt Cộng 7 người, đứng đầu là Đại Úy Tràng, tính toán, toa rập, cấu kết với chính quyền địa phương để giải tán biểu tình. Tức thì 300 em học sinh, sinh viên trẻ cầm cờ VNCH kéo lên. Bắt tại trận chúng đang họp, các em ập vào bắt trói, lột áo, bịt mặt, dẫn về nơi biểu tình. Vì quá uất ức bọn phản bội người tị nạn, đi ngược lại nguyện vọng của đồng bào, các em nhào vô đấm đá túi bụi. Hội Đồng Liên Tôn phải đứng ra can thiệp. Suốt đêm ấy đồng bào không ngủ, vì lo sợ chính quyền giải tán biểu tình. Màn đêm bắt đầu phủ xuống, thoạt đầu đồng bào đem đèn dầu ra đốt, chốc lát sau đèn điện được câu lên, máy phóng thanh cũng được đem đến phát thanh, kêu gọi, sắp xếp, với những bài hát trước 1975. Những câu đả đảo Cộng Sản được toàn thể đồng bào tị nạn đồng loạt hô to, mãnh liệt.

Sáng hôm sau, cuộc biểu tình bước qua ngày thứ hai, một cột cờ được dựng lên giữa khán đài ở trung tâm người biểu tình. Mỗi buổi sáng lúc 8 giờ đồng bào đứng nghiêm chỉnh, lá quốc kỳ từ từ được kéo lên với bài quốc ca được cùng hát lên như trước năm 1975. Sau lễ chào cờ, một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người lính đã hy sinh cho tổ quốc.

Mỗi đồng bào, mỗi bạn trẻ cùng nhau đóng góp một bàn tay, chung sức lo cho đại cuộc thật là chu đáo và đoàn kết. Khiến cho chính quyền phải nhượng bộ trước cuộc biểu tình bất bạo động. Trước lo sợ giải tán biểu tình, mỗi người tử thủ cho mình một vũ khí. Gậy gộc, cây rọi tẩm dầu... các bạn trẻ lận trong người một con dao, có lẽ chính quyền sở tại biết nên không giải tán lúc đầu, họ biết ở Hongkong giải tán biểu tình làm cho 21 người Việt tị nạn chết, 28 cảnh sát Hongkong thiệt mạng, giải tán biểu tình không có lợi gì cho họ, nên họ tìm cách xoa dịu. Vì thế mà cuộc biểu tình kéo dài được 179 ngày.

Vào khoảng năm giờ chiều ngày biểu tình thứ ba, chính quyền địa phương đến nơi để xem xét, bỗng đâu anh Phạm Văn Châu (cựu quân nhân) quấn mền tẩm dầu đốt lửa tự thiêu. Từ trong barrack chạy ra trước mặt phái đoàn, miệng anh kêu lên "Đừng giết đồng bào tôi" được bốn lần, rồi ngã xuống. Đồng bào nhào đến dập tắt được ngọn lửa thì thân thể anh đã bị cháy nám, da thịt nứt ra, anh được đưa vào bệnh viện, sau đó họ đưa anh đi Pinang rồi mất tích luôn.

Qua ngày thứ năm, anh Lê Xuân Thọ, trẻ, khoảng 25 tuổi, cũng tự thiêu. Anh từ trong nhà thờ chạy ra đến cầu, anh còn đâm thêm vào mình mấy nhát dao, ngã quỵ ở dốc cầu, đồng bào phát hiện dập tắt được ngọn lửa và đưa anh vào bệnh viện, lần này đồng bào kéo nhau bao vây bệnh viện và các ngã đường không cho chính quyền chuyển anh đi, vì sợ anh bị mất tích như anh Châu. Sáng hôm sau đồng bào làm hai cái quan tài để ở giữa, tất cả anh em cựu quân nhân, thương phế binh, và bạn trẻ luân phiên chia nhau canh gác ngày lẫn đêm ròng rã suốt 179 ngày, tất cả đồng bào lần lượt đốt nến cầu nguyện. Trên 50 tràng hoa tuyệt đẹp của hội đoàn, quân binh chủng VNCH được đem đặt trước quan tài.

Không biết có phải trời thử thách người tị nạn biểu tình mà những cơn mưa nặng hạt trút xuống đầu, hết cơn mưa lại đến những cơn nắng gay gắt của tháng 4 thế mà chúng tôi cứ ngồi tại chỗ chịu đựng. Trước cảnh tượng đó, nước mắt tôi chảy hoài, có nhiều người cũng khóc như tôi. Bởi vì đâu mà người dân Việt Nam phải trả giá đến thế này?

Đến ngày lãnh lương thực, ban đại diện biểu tình hỏi đồng bào có nên lãnh lương thực hay không? Hàng ngàn người đứng lên, đưa tay lên một lượt, cương quyết không lãnh (cả ba lần), tiếng la không đồng loạt rất hùng hồn, sự đoàn kết không ai có thể ngờ được. Sau đó, hằng chục người tình nguyện tuyệt thực, đặc biệt là có số đồng bào cầm vé đậu chờ đi định cư cũng tham gia biểu tình và tuyệt thực.

Sau ba hoặc bốn ngày sức khỏe kém dần, một số người ngất xỉu, ngã gục, được chuyển đưa vào bệnh viện.

Mỗi buổi sáng chào quốc kỳ, một phút mặc niệm vừa chấm dứt, thì có hai, ba hoặc bốn người đa số là trẻ, vì bức bối không kềm chế được nên các em tự sát bằng cách đâm dao vào bụng, có người bị nặng quá phải chuyển đi Pinang điều trị. Số người tự sát là 27 người, thực ra không có cách nào ngăn cản nổi quyết tâm của tuổi trẻ, cho dù Hội Đồng Liên Tôn đã nhiều lần ngăn cản, khuyên lơn cũng không được.

Sau đó nhờ lời kêu gọi của Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng (Ủy Ban Cứu Người Vượt Biên) trên đài phát thanh VOA (thâu băng phát lại) mà đồng bào mới ngưng tự sát.

Bước sang năm 1990, số người vượt biên gia tăng ồ ạt. Họ đến được trại tị nạn Galang lên đến con số trên 20.000 người. Qua cuộc thanh lọc nếu bị rớt, Cao Ủy vận động những người này hồi hương, và chuyển đưa họ về Việt Nam. Số còn lại không dám về vì sợ bị trả thù về tội phản quốc. Tính đến tháng 4-1994, số người tị nạn còn ở trại gần 6.000 người, số cựu quân nhân rớt thanh lọc còn lại hơn 550 người.

Cũng vì thanh lọc bất công nên mới có những cuộc biểu tình của các trại tị nạn Đông Nam Á.

Theo tôi nghĩ, trên thế giới này chắc chắn chưa có quốc gia nào mà người dân có cuộc biểu tình như thuyền nhân Việt Nam ở Galang, biểu tình luân phiên nhau ngồi đấu tranh liên tục, ròng rã, suốt ngày lẫn đêm đến 179 ngày với sự kiên trì, lòng dũng cảm như dân tộc Việt Nam.

Khi cuộc biểu tình bước sang ngày cuối cùng, chính quyền địa phương mời ban đại diện ra cầu tàu họp với Cao Ủy, nhưng chẳng thấy Cao Ủy đâu. Ban đại diện biểu tình ra họp là 62 người, có đại diện 5 tôn giáo, khi vào họp thì có hai chiếc tàu vừa cặp bến, đó là tàu quân sự chở quân lính Thủy Quân Lục Chiến và cảnh sát Nam Dương. Còn ở trên bờ thì cảnh sát đã được bố trí rất nhiều từ Galang I đến cầu tàu.

Theo tin cho biết là chánh quyền bố trí trên đảo này hơn 3000 lính và cảnh sát bao vây toàn trại, tàu hải quân thì bao quanh đảo.

Khi vào họp, một viên chức mang quân hàm Đại Tá Nam Dương phía chánh quyền đưa ra mấy điều kiện: 1- giải tán biểu tình. 2- chôn hai quan tài. 3-Chấp nhận hồi hương.

Đồng bào biểu tình đứng lên không đồng ý. Thế rồi một mệnh lệnh của viên đại tá đưa ra, 100 cảnh sát ập vào còng 62 người đại diện đưa xuống tàu chở về Pinang, giam chung tù vời tù nhân bản xứ.

Sau đó chánh quyền Nam Dương vào địa điểm biểu tình giải tán 5.000 đồng bào đang ngồi biểu tình. Đồng bào ta như rắn mất đầu sau khi ban đại diện bị bắt. Chiều hôm ấy họ bắt thêm 50 người khác khi giải tán đoàn biểu tình, đưa đi Pinang nhốt chung với 62 người trước đó.

Khi giải tán, cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình hằng trăm trái khói cay, sau đó cảnh sát ập vào với bốn con chó Berger. Có một cụ bà bị chó cắn rách quần. Sau đó, cảnh sát khiêng hai cái quan tài đi, tiếp theo là đấm đá túi bụi, nhất là vào các bạn trẻ, đồng bào kéo nhau vào nhà thờ và chùa, cảnh sát theo vào nhà thờ hành hung bị Đức Cha người Nam Dương ngăn cản. Còn ở bên chùa thì thầy trụ trì đi họp đã bị bắt, đồng bào ở đây bị hành hung mà không ai che chở được.

Qua ngày sau số người bị bắt đưa tới trại Tahanan ở Pinang là 198 người. Còn 60 phụ nữ bị đưa vào trại nữ tù cách đó 2 cây số. Một số khác bị đưa ra cầu tàu nhốt trong vòng rào kẽm gai để sau đó cưỡng bức họ xuống tàu, cứ 1 người tị nạn Việt Nam thì có 2 cảnh sát kèm. Họ có quay phim cảnh đàn áp thô bạo đó chiếu lại cho người khác xem, dọa nếu không đăng ký hồi hương sẽ bị cưỡng bức xuống tàu.

Tôi ở trại được 20 tháng, sau đó cảnh sát đưa lên gặp phái đoàn Cao Ủy để phỏng vấn, tiếp đó đưa qua gặp phái đoàn Việt Cộng để đăng ký hồi hương. Tôi bị đưa lên phi cơ hồi hương về Việt Nam ngày 9-8-1996.

Khi về Việt Nam, tôi gặp lại số người bị cưỡng bức về bằng tàu, ở chung cùng xứ Họ, cho tôi biết thoạt đầu họ tưởng là chuyển trại, tàu chạy được một ngày một đêm. Khi được kêu tất cả chuẩn bị lên bờ, bước lên phía trên họ không ngờ thấy chữ Vũng Tàu to tướng, tất cả mọi người đều chưng hửng.

Thế thì mọi việc kể như đã an bài. Số mệnh người vượt biển tìm tự do là...

Tôi về bằng phi cơ, phải qua Thủ Đức làm việc một ngày đêm. Tôi không dám về xứ, nên đăng ký hộ khẩu ở Sài Gòn, đến Thủ Đức nhà nước buộc tôi phải về địa chỉ gốc để dễ làm việc, vì thế mà hồ sơ của tôi bị trục trặc, chạy chọt, khiếu nại hai năm. Khi phỏng vấn xong, tôi nhận hộ chiếu thì thấy chữ Văn có thêm G, khiến tôi phải tốn thêm 400 đô la và một số bữa tiệc rượu để đổi lại. Tôi đến Mỹ ngày 9-8-2000, hiện cư ngụ tại Seatle, Washington.

Ngó dân tôi lắm não phiền

Đốt nhang cầu nguyện, mọi người bình an.

Nay nhờ cuộc thi viết kể chuyện vượt biển mà tôi mới có tiếng nói, tư tưởng, nhận xét của mình để cho mọi người nhìn về quá khứ, biết được số phận người Việt Nam vượt biển tìm tự do.